TRONG TƯƠNG LAI, NGÔI NHÀ CÓ THỂ ĐƯỢC TÙY BIẾN THEO CÁC CUỘC KHỦNG HOẢNG

Michelle Ogundehin* cho biết:  “Ngôi nhà của chúng ta có thể là một vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Do vấn đề thừa, thiếu vắc-xin và khả năng miễn dịch sau khi khỏi bệnh chưa được chứng minh, ở nhà vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất”.

Nhà ở đóng vai trò then chốt trong công cuộc chống lại các cuộc khủng hoảng toàn cầu 

Văn phòng, trường học, phòng gym, nhà hàng đều buộc phải đóng cửa vì COVID-19. Dịch bệnh như một tấm gương phản chiếu trần trụi mô hình nhà ở đương đại và quan trọng là cách chúng ta sống bên trong nó. Cần có các sự thay đổi nếu chúng ta muốn thích nghi tốt trong các đợt dịch tiếp theo – học cách sống chung với virus, giải pháp đóng cửa xã hội chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, còn lâu dài sẽ để lại nhiều hậu quả.

Khi truy vấn về lịch sử, nhân loại đã nhiều lần đối mặt với các dịch bệnh nguy hiểm, chúng đều đến để tạo ra sự thay đổi. Đối với nhiều người, việc ở nhà lâu như vậy gây ra các bệnh về tâm lý, đôi khi là sự phản ứng thái quá. Ngôi nhà có thể cho ta sự ấm cúng, dễ chịu hoặc cũng có thể là cảm giác cô đơn, khó chịu và áp lực. Cần có các giải pháp phù hợp với đa số mọi người, bất kể thu nhập, diện tích, ở nhà thuê hay nhà riêng. Dưới đây là các cảnh báo và gợi ý giải pháp cho việc phải ở trong nhà thời gian dài.

Nhà ở đóng vai trò then chốt trong công cuộc chống lại các cuộc khủng hoảng toàn cầu

Để ngôi nhà là nơi thực sự “trong lành”

Các nghiên cứu đã chứng minh không khí bên trong nhà bị ô nhiễm gấp 10 lần so với ngoài trời do sự tích tụ của các chất độc hại từ vật liệu và đồ nội thất công nghiệp. Các loại sơn nước, chất độc từ các sản phẩm tẩy rửa, vật liệu nhựa, vải tổng hợp, mùi hương từ nến làm từ sáp dầu mỏ, mùi đồ mới hoặc khói thuốc lá.

Đó là loại “cocktail” gây chết người – nguyên nhân gây ra khoảng 99.000 ca tử vong hàng năm chỉ riêng ở châu Âu (theo Đại học Y khoa Hoàng gia Anh). Việc sử dụng sơn sinh thái và vật liệu không chứa formaldehyde nên trở thành tiêu chuẩn trong xây dựng.

“Vì thế, hệ thống lọc không khí công nghệ cao ngày càng phát triển nhưng theo tôi, cây xanh luôn là giải pháp vừa giảm chi phí vừa hiệu quả tốt. Đặc biệt, chúng cho chúng ta “vắc-xin” về mặt tinh thần. NASA đã chứng minh thực vật là những chiến binh lọc sạch không khí thực thụ. Ở nhà trong thời gian dài thì chúng ta rất cần lưu ý vấn đề này” – Michelle Ogundehin cho hay.

Các không gian đôi khi không cần quá rộng, nhưng phải đủ và đa năng

Rõ ràng 80% số lượng nhà ở vào năm 2050 đã được xây dựng xong, do đó các tiêu chuẩn trong quá khứ đôi khi không còn phù hợp. Tại sao tất cả các phòng ngủ lúc nào cũng phải đặt ở tầng trên? Chúng có thể được tổ chức tại tầng trệt và kết hợp cả sinh hoạt, học tập bên cạnh việc ngủ. Các căn hộ cho thuê thường thiết kế đồng loạt, tạo ra các không gian trống không cần thiết.

Ở Nhật Bản, mặt bằng thiết kế hiếm khi áp đặt nội thất một chỗ, vì các phòng được tích hợp nhiều chức năng khác nhau với sự phát triển của đồ nội thất thông minh. Nhiều nhà kho có thể cải tạo thành không gian làm việc hoặc chuyển đổi từ ăn uống sang không gian thư giãn, nghỉ ngơi tùy theo nhu cầu.

Nhà thông minh đang đi vào cuộc sống

Virus sẽ tồn tại trên bề mặt các vật thể trong một khoảng thời gian nhất định, khiến chúng ta ngần ngại khi tiếp xúc. Biện pháp dài hạn ở đây là chúng ta nên nâng cấp “cơ sở hạ tầng” bên trong ngôi nhà.

Các công nghệ nhà thông minh sẽ giúp ta hạn chế tiếp xúc, ví dụ như cửa không cần tay cầm và bồn rửa hoạt động bằng thân nhiệt,… Nhưng trên hết, việc tiếp xúc là không thể tránh khỏi. Vì vậy, ý thức của mỗi người vẫn là quan trọng nhất: thường xuyên lau chùi và rửa tay sạch sẽ.

Nhà là nơi để tận hưởng cuộc sống 

Với việc hạn chế tiếp xúc, hình thức học trực tuyến lên ngôi, giúp chúng ta tận dụng thời gian chết để giảm căng thẳng và hỗ trợ phục hồi các chức năng miễn dịch thông qua việc học một cái gì đó mới.

Đối với việc vận động, mặt bằng linh hoạt giúp chúng ta tận dụng được không gian. Tập thể thao có thể diễn ra tại phòng khách hay phòng ngủ. Người hướng dẫn thì đã có TV, laptop và điện thoại. Đôi khi không gian phía trước ghế sofa trong phòng khách là đủ.

Nếu vẫn thiếu không gian, nên nhớ rằng trung bình một hộ gia đình chứa khoảng 300.000 món đồ, 2/3 trong số đó không bao giờ sử dụng đến.

Căn bếp còn nên đặt tại trung tâm?

Như đã đề cập, virus tồn tại trên bề mặt vật thể trong 1 khoảng thời gian nhất định. Nếu căn bếp mở và đặt tại trung tâm thì khi trở về nhà, mọi người sẽ đặt nhiều đồ đạc lên bàn bếp, như cặp xách, đồ chơi con trẻ, tập tài liệu,… Điều đó có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khu bếp phải được giữ vệ sinh tốt nhất vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta. Đặc biệt là khi các bệnh viện hiện đang quá tải và không đủ nhân lực để chăm sóc bệnh nhân.

Khi làm việc tại nhà không còn là xu hướng mới nổi

Làm việc từ xa giờ đây đã trở thành điều “bình thường mới” với hầu hết mọi người. Một không gian làm việc chất lượng tại nhà là rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của bạn.

Không gian nên có cửa ngăn cách và được cách âm tốt. Bàn ăn là một sự thay thế không tốt cho bàn làm việc, nó cao và không tối ưu để làm việc liên tục. Các ngành thiết kế có thể sử dụng thêm những chiếc bàn đứng, loại bàn có thể thay đổi cao độ và những chiếc ghế hỗ trợ thắt lưng tốt hơn.

Hồi sinh lại những không gian bị lãng quên

Cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tích hợp công năng ở các không gian ít sử dụng là xu hướng hiện nay, chẳng hạn như các tầng áp mái, nhà kho,… giúp tận dụng không gian với chi phí thấp. Đôi khi chúng cho chúng ta trải nghiệm mới lạ ngay trong ngôi nhà. Vì việc nhìn đi nhìn lại 1 không gian đôi khi không được tổ chức tốt sẽ tạo ra sự nhàm chán và ở nhà trở thành một cực hình.

Việc ở lâu trong nhà và không được tiếp xúc với thiên nhiên đôi khi sẽ là thảm họa

Phong cách Biophilia – gắn với thiên nhiên, đã trở thành xu hướng chủ đạo trong năm 2020 và sẽ còn phát triển trong tương lai. Việc sử dụng các vật liệu tự nhiên hoặc mô phỏng lại màu sắc, chi tiết và hình thức của tự nhiên đã được chứng minh là tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Vì vậy, mật độ không gian xanh cần được trở thành tiêu chuẩn khi cấp phép xây mới các công trình, có thể là ở ban công hoặc bên trong nhà, trên mái hoặc bờ tường. Tưởng tượng nếu bạn sống lâu dài trong một khu vườn nhỏ hoặc sống xung quanh 4 bức tường, bạn sẽ chọn cái nào?

Không gian cho mình và cho cả xã hội

Chúng ta cần các không gian riêng tư, yên tĩnh nhưng không có nghĩa chúng ta sống cô lập. Con người không thể sống thiếu xã hội và cộng đồng xung quanh. Không gian sống riêng tư nhưng nên khai thác chung các tiện ích như sân thể thao, không gian vui chơi trẻ em,…Bây giờ là thời điểm để xã hội, rộng hơn là cả nhân loại đoàn kết và xích lại gần nhau hơn, chứ không phải chia rẽ.

Tuy nhiên, điều này không giống như nhà ở tập thể hay chung cư cao tầng. Chúng bao gồm các tòa nhà được chia thành các phòng riêng lẻ cho thuê, giống như ký túc xá kiểu sinh viên nhưng cao cấp hơn. Có thể kể đến việc người lớn tuổi bị sống cô lập trong các viện dưỡng lão, nay lại càng trầm trọng hơn do dịch bệnh, điển hình như ở nước Anh.

Chúng ta nên phát triển nhiều hơn các không gian chung, không gian xanh trong các khu dân cư và có nhiều hoạt động để tăng tính tương tác, giúp tạo ra xã hội lành mạnh, bền vững và hỗ trợ giữa các thế hệ tương lai trong “kỷ nguyên” COVID-19.

*Michelle Ogundehin là nhà văn, người tư vấn thiết kế và là người dẫn chương trình truyền hình, tác giả của cuốn sách “Hạnh phúc từ bên trong: Làm sao để khai thác sức mạnh bên trong ngôi nhà” (Happy Inside: How to Harness the Power of Home for Health and Happiness). Bà tốt nghiệp ngành kiến trúc và là cựu Tổng biên tập của tạp chí ELLE Decoration Anh Quốc.

Dịch: Hoàng Anh | Nguồn: Dezeen